[Review] Alexander and Hephaestion



Vừa xem xong bộ phim đó. Trắng đêm. Thật dài. Tôi sẽ chẳng có cơ hội biết đến nó nếu không có bài báo kia. Nhận định đây là một bộ phim "siêu dở" của một đạo diễn giỏi?. Có lẽ. Về khía cạnh dành cho đại chúng, nó bị xem là thứ xuyên tạc, báng bổ lịch sử về một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất, Alexander đại đế xứ Macedonia. Còn về khía cạnh cá nhân tôi thì sao?. Cách đây hơn mười năm, trong tập phim tư liệu về thành cổ Persepolis của đế chế Ba Tư, tôi lần đầu tiên được nghe đến tên ngài, kẻ đã ra lệnh thiệu rụi tòa thành vĩ đại đó sau khi vừa xâm chiếm được vì một ả đàn bà. Ấn tượng về ngài ban đầu thật không tốt đẹp hơn so với Darius III, kẻ thảm bại dưới tay ngài. Qua một vài năm, đến khi cầm trong tay cuốn sách về thập đại hoàng đế thế giới, Alexander đại đế mới khiến tôi thay đổi cách nhìn và nhận được sự ngưỡng mộ chắc chắn nơi tôi. Vẫn luôn như vậy. Và rồi khi xem bộ phim này, tôi vẫn giữ sự ngưỡng mộ ấy và thêm cả một niềm xung động dành cho một con người khác…

Tôi xin không bàn đến sự thật lịch sử ở đây chính xác đến mức nào hay nó hoàn toàn là trí tưng tưởng của những kẻ đời sau tạo ra. Hãy chỉ nói về bộ phim tôi đã xem xong đây thôi. Xuyên suốt bộ phim, tôi đã thấy những gì? Vẫn là một Alexander đại đế anh dũng quả cảm đã đánh đổ đế chế Ba Tư hùng mạnh và tiến ngày càng xa để chinh phục cả thế giới mà ngài biết đến. Ngài đã đứng trên đỉnh vinh quang của danh vọng quyền lực. Người ta thường nói khi ngồi lên địa vị bá chủ muôn phương, ngươi sẽ phải trả giá là sự cô độc. Ngươi đã ở nơi quá cao vời, khiến kẻ khác chỉ có thể ngước nhìn mà không thể với tới được. Sau những cuộc chiến máu lửa ngươi giành thắng lợi vang dội, những vùng đất bao la ngươi đánh dấu sự trị vì, những tiền tài quyền lực ngươi nắm được trong tay, ngươi còn có người nào để sẻ chia tin tưởng không?. Kẻ khác thì không. Vậy mà ngài lại có. Luôn có một người ở bên cạnh ngài. Từ ngày niên thiếu cho đến gần khi ngài qua đời. Người đó là ai vậy? Sao tôi chưa từng được nghe đến tên người đó cho đến giờ phút này? Hephaestion. Một cái tên thật xa lạ, chưa bao giờ xuất hiện trong những tư liệu mà tôi đã đọc. Thật sự thiếu xót nhưng cũng là may mắn khi hiện tại tôi đã biết đến con người này. Hephaestion được giới thiệu là một người đồng hữu, chỉ huy đội kỵ binh và là người bạn thời thơ ấu của Alexander. Tôi đã tìm hiểu vắn tắt về người đó như vậy trước khi xem bộ phim này. Và đến khi xem đoạn mở đầu, tôi đã quên lãng ngay những điều đó. Có điều gì đó không đúng. Hay còn hơn thế. Là từ ánh mắt?. Phải. Phim mở đầu với phân cảnh Alexander đang bàn bạc với những tướng lĩnh thân tín về trận chiến với vua Ba Tư. Ngài đang bừng bừng khí thế chiến đấu để thành bá chủ và đưa ánh nhìn hy vọng sự ủng hộ từ những tướng lĩnh thân tín. Nhưng ai cũng tỏ ra nghi ngại né tránh. Duy có một người là ngoại lệ, đứng lặng im ở phía sau ngài với ánh mắt mà khi ngài nhìn lướt qua, đã thấy tràn đầy sự tin tưởng nơi ấy, và ngài cũng chỉ cần điều đó mà thôi. Chính là Hephaestion, là ánh mắt của con người đấy. Ánh mắt đó vẫn luôn dõi theo ngài mọi lúc mọi nơi mà ngài hiện diện như chính ngài cũng luôn hướng về nó. Luôn luôn như vậy. Khi ngài liều mạng xông pha trận mạc, khi ngài diễu hành trong vinh quang chiến thắng, khi ngài cần sự ủng hộ giữa quân lính cho những quyết định chính trị, và kể cả khi ngài tuyệt vọng lạc lõng bị mất niềm tin, lòng trung thành của họ đi nữa. Vẫn luôn có Hephaestion hướng về ngài. Ngài biết rõ điều đó chứ. Ngài luôn chỉ cần nó. Tuy nhiên, cũng có những lúc ngài buộc phải gạt bỏ nó vì những mục đích riêng biệt. Vì liên kết chính trị, ngài quay lưng với ánh mắt đó khi nắm tay cô dâu của bộ tộc vùng Trung Á để cử hành hôn lễ cùng ngài. Vì khao khát không thể thỏa mãn hay sự hứng thú buông thả bất chợt, mà ngài trầm luân trong những cuộc vui nhục dục cùng kẻ hầu cận Bagoas, bỏ qua ánh nhìn của Hephaestion. Ngài làm tất cả những điều đó phải chăng vì biết rõ dù xảy ra chuyện gì, người đó cũng vẫn luôn hướng về ngài trước sau không thay đổi? Ngài cũng biết rõ ánh mắt kia đã, đang và sẽ bị tổn thương, bị đau đớn, bị giằng xé tâm can đến thế nào. Trước giờ phút ngài động phòng tân hôn, là ánh mắt cay xót của người nào đã nói lời chúc phúc và trao tặng cho ngài chiếc nhẫn hoàng bảo vào ngón áp út rồi phải mau chóng rời đi?. Trong tiệc tùng chè chén vũ ca linh đình với ngoại tộc, khi ngài ôm hôn kẻ hầu cận bé mọn của ngài sau những điệu vũ khiêu khích nóng bỏng, là ánh mắt ám ảnh như cầu lời giải đáp của người nào đó đã khiến ngài có lẩn sâu trong đám đông náo nhiệt cũng không thể tránh thoát?. Hay chính ánh mắt của ai vẫn tràn đầy sự tin tưởng, cứu vớt ngài khỏi vực sâu tuyệt vọng mất lòng tin dù cho ngài có đang dựa vào vòng tay của kẻ hầu cận kia?. Không có điều gì từ ánh mắt ấy lọt qua khỏi đôi mắt của ngài và cả tiềm thức của ngài. Chỉ là ngài vẫn làm hết thảy những việc tàn nhẫn kia với niềm tin tuyệt đối ánh mắt đó sẽ không bao giờ dời đi. Đúng vậy. Nhưng cho đến khi những việc làm ngông cuồng không ai căn ngăn nổi của ngài đã phải trả giá. Ngài đã bị thương nặng, đã mất con ngựa quý giá gắn bó bao năm dù ngài có thắng trận. Và quan trọng hơn là ngài đã phải chứng kiến người kia ngã xuống, dù ánh mắt lo lắng trước sau vẫn hướng về ngài trong cơn đau đớn xé thịt. Ngài đã nhận ra sai lầm vì lòng ích kỷ của mình chưa?. Có lẽ. Rồi hồi kết có hậu tưởng chừng đã đến khi ngài quyết định dừng lại cuộc chinh phạt và trở về quê hương. Ngài sẽ cùng người đó tận hưởng mọi vinh hoa phú quý của cuộc đời mãi mãi về sau phải không?. Nhưng số phận nghiệt ngã không cho vọng tưởng của ngài dài lâu. Chính ngài đã tạo nên sự đố kỵ ghen ghét của những kẻ khác đối với người kia bấy lâu nay, phóng túng cho nó được "nuôi dưỡng" ngày càng lớn dần mà không lưu tâm mảy may gì, để rồi lần này ngài đã phải trả cái giá đắt nhất không thể vãn hồi. Ánh mắt kia đã phải vĩnh viễn nhắm lại, không bao giờ có thể nhìn hướng về ngài được nữa. Mỗi khi ngài ngoảnh sang bên cạnh như bao lần, sẽ không còn thấy hình bóng ai đó hiện diện mỉm cười với ngài. Lời nói nửa chừng về tương lai, “Và lúc đó chúng ta đã già… cùng nhìn ra ban công của thế giới mới...” sẽ bị đứt đoạn mãi mãi vì người đó đã không còn có thể nghe tiếp được… Tựa như một nửa linh hồn đã bị chia tách khỏi bản thể, không thể níu giữ lại nữa... Còn nửa linh hồn ở lại sẽ mãi mãi cô độc, có chăng tồn tại chỉ là một lớp vỏ trống rỗng, sẽ bị héo mòn, mục ruỗm dần cho đến lúc chết… Như trong giây phút hấp hối, ngài đã tháo chiếc nhẫn hoàng bảo, nắm chặt trong tay hướng lên hình ảnh con đại bàng đang tung cánh bay giữa mê man ảo tưởng. Và khi ngài trút hơi thở cuối cùng thì cũng là lúc chiếc nhẫn bị vỡ vụn… Những kẻ tùy tùng vây quanh ngài như đàn sói đói chầu trực xâu xé quyền lực ấy, ai biết được rằng ngai vàng của ngài, thứ ngài chinh chiến cả đời đạt được, thứ bao kẻ thèm khát giành giật lấy, sẽ chỉ để dành cho "người giỏi nhất", là người duy nhất chưa bao giờ ngài có thể đánh bại cũng là người duy nhất ngài yêu thương đã ra đi trước một bước…

Đã đến hồi kết của bộ phim cũng như cần kết thúc dòng xung động trong tâm tưởng tôi… Có lẽ Alexander và Hephaestion đã có một hồi kết trọn vẹn khi họ được hợp táng bên cạnh nhau. Một thế giới mới nơi vườn địa đàng sẽ chào đón họ… khi mà chiến tranh, quyền lực, danh vọng, của cải và cả trách nhiệm không có nghĩa lý gì ở nơi đó cả… và chỉ có “Achilles” và “Patroclus” của xứ Macedonia mà thôi, hai cái tên thần thoại đã từng được hai đứa trẻ ngầm định cho chính chúng khi nghe những lời giảng của thầy Aristotle thưở nào…

Bài đăng phổ biến